BÀI THƠ VỀ TIỂU ĐỘI XE
KHÔNG KÍNH
(Phạm Tiến Duật)
I - GỢI Ý
1. Tác giả:
Nhà thơ Phạm Tiến Duật sinh năm 1941, quê ở huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ.
Sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội, năm 1964, Phạm
Tiến Duật gia nhập quân đội, hoạt động trên tuyến đường Trường Sơn và trở thành
một trong những gương mặt tiêu biểu của thế hệ các nhà thơ trẻ thời kì chống Mĩ
cứu nước.
Thơ Phạm Tiến Duật tập trung thể hiện hình ảnh thế hệ trẻ trong cuộc kháng
chiến chống Mĩ qua các hình tượng người lính và cô thanh niên xung phong trên
tuyến đường Trường Sơn. Thơ ông có giọng điệu sôi nổi, trẻ trung, hồn nhiên,
tinh nghịch mà sâu sắc.
Các tác phẩm đã xuất bản: Vầng trăng quầng lửa (thơ, 1970); Thơ một chặng đường (thơ, 1971); ở hai đầu núi (thơ, 1981); Vầng trăng và những quầng lửa (thơ,
1983); Thơ một chặng đường (tập tuyển, 1994); Nhóm lửa (thơ, 1996).
Nhà thơ đã được nhận Giải nhất cuộc
thi thơ báo Văn nghệ 1969-1970.
2. Tác phẩm:
Bài thơ về tiểu đội xe không kính là tác phẩm
thuộc chùm thơ của Phạm Tiến Duật được tặng giải Nhất cuộc thi thơ của báo Văn
nghệ năm 1969-1970.
Trong bài thơ, tác giả đã thể hiện khá đặc sắc hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ hiên
ngang, dũng cảm, trẻ trung và những chiếc xe không kính ngộ nghĩnh giữa tuyến đường
Trường Sơn lịch sử thời kì kháng chiến chống Mĩ.
Với nhan đề "Nói thêm về tiểu
đội xe không kính", tác giả Võ Minh trong Tài hoa trẻ, số 347-348, tháng 12-2004, đã viết:
"Thường mỗi bài thơ đều có
xuất phát điểm thư hứng. Hứng mà xuất thân thì bài thơ lấy "hứng" làm
chủ đạo, từ đó cấu trúc thành "tứ", thành ý làm nổi bật cái "sự",
phô diễn cái "tình". Không ít bài thơ do cái "sự: thúc bách thì
"sự" là chủ đạo để hình thành tứ cho bài thơ trên nền móng của
"tình" làm chất liệu. Bài thơ "Tiểu đội xe không kính" của
Phạm Tiến Duật thuộc mô típ thứ hai này. Hồi đó, vào những năm 1968-1973, trên
tuyến đường mòn Hồ Chí Minh thuộc địa phận đất bạn Lào có cả một hệ thống đường
giao thông bộ. Những con đường chằng chịt, luồn lách trong bạt ngàn rừng già được
các lực lượng bộ đội công binh Thanh niên xung phong dân công hỏa tuyến ngày đêm
khai mờ. Phần lớn sức vóc khổng lồ của hậu phương miền Bắc tham gia cuộc kháng
chiến giải phóng dân tộc được vận hành, chuyên chở trên những con đường này. Sự
vận chuyển diễn ra suốt ngày đêm không ngưng nghỉ, âm thầm mà náo nhiệt, dồn sức
người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Trong các hình thức vận chuyển hậu cần
qui mô to lớn ấy, xe ô tô là lực lượng vận chuyển chủ lực. Có nhiều trung đoàn,
tiểu đoàn ô tô ở các binh trạm, trong đó có tiểu đoàn vận tải 61 là đơn vị hai
lần đoạt danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Phạm Tiến Duật là một chiến sĩ
- nhà thơ trong tiểu đoàn 61 anh hùng đó.
Vì lí do trên nên máy bay Mĩ thường
trực ngày đêm bắn chặn ta. Năm 1969, qui mô bắn phá của kẻ thù vô cùng ác liệt.
Tại địa bàn của binh trạm 27, lộ trình vận chuyển qua cửa khẩu biên giới Việt -
Lào có những nút giao thông như "Cua chữ A" (đường 10), đỉnh Cổng trời
(đường 20), v.v... sau vài tiếng đồng hồ lại có một tốp ba chiếc B52 đến rải thảm
bom với hàng trăm quả đủ loại. Những con đường ngày một quang dần vì bom đạn Mĩ,
có nhiều đoạn phơi lưng lộ diện giữa hiên đại trùng trùng. Tiểu đoàn 61 đã có
nhiều chiếc xe bị cháy, bị lật nhào xuống vực và bị vỡ kính vì "bom giật,
bom rung".
Sự ác liệt tăng lên, sự hi sinh của
người lính tăng lên và tất nhiên, những tác động tâm lí tạo nên sự do dự cũng tăng
lên trong bộ đội. Công tác chính trị đặt ra phải tạo được khí thế tiến công cách
mạng đồng loạt, người chiến sĩ lái xe phải bám xe, bám đường vận chuyển hàng hóa
trong bất kì hoàn cảnh nào. Từng đơn vị phải có điển hình cụ thể, phải tạo được
"cái hích" tiến lên của đơn vị mình. Chính vì thế ở tiểu đoàn 60 thành
lập một tiểu đội mới bao gồm những chiến sĩ cảm tử lái những chiếc xe "thương
tích" vì trận mạc. Phạm Tiến Duật đã đi trên một chiếc xe của tiểu đội ấy để
chở hàng và bài thơ về tiểu đội xe không kính ra đời sau lần đi như thế. Bài thơ
có tên gọi bình dị nhất. Viết xong, anh đọc ngay cho chính những chiến sĩ trong
cuộc nghe trước khi nó được đăng lên tờ Tin tức Mặt trận của đoàn 559 và
trước khá lâu trên báo Văn nghệ trong một cuộc dự thi. Sau lần đọc đó, có một
thông lệ của đơn vị 61 là, trước mỗi lần cho xe "xuất kích" cả tiểu đoàn
ngồi nghe đọc bài thơ.
Chỉ một tuần sau khi bài thơ ra đời,
cả mặt trận có vô số tiểu đội xe không kính. Sau này, vào những năm cuối cuộc
kháng chiến, đã có những chiến sĩ lái xe tự ý đập vỡ kính để mắt thường nhìn trực
tiếp mặt đường chằng chịt hố bom cho rõ hơn dưới ánh sáng lù mù của chiến đèn gầm
soi. Thậm chí, có người còn tháo cả cảnh của buồng lái để tiện cho việc xử lí tình
huống khi xe bị máy bay AC130 săn đuổi - loại máy bay bắn rốc-két hay đạn 27 li
vào mục tiêu di động bằng thiết bị dò âm thanh mặt đất và bằng kính nhìn có tia
hồng ngoại.
Mạn phép nói thêm cái chất thực của bài thơ để chúng ra
hiểu rằng, một bài thơ có nhiều khi vượt qua khỏi phạm trù cái đẹp văn chương
thuần tuý, dâng cho cuộc sống những giá trị thực tiễn lớn lao biết nhường nào.
Bài thơ " Bài thơ về tiểu đội xe không kính" có cái mãnh lực thần kì ấy,
nó vừa mang tính chiến đấu nóng bỏng, tính thời sự tức thời vừa mang tầm vóc lịch
sử! Tất nhiên một bài thơ như thế phải là tiếng nói của cuộc sống thực hào hùng.
Đó là tiếng nói chân thành, độc đáo của người trong cuộc. Nó như một tuyên ngôn
về lẽ sống của một thế hệ người Việt Nam!
Giờ đây mỗi lần có dịp đọc lại
hay nghe ai đó đọc lên bài thơ này, không ít người như tôi lại bồi hồi nhớ về một
quãng đời chiến tranh ở đường 9 - Nam Lào, nhớ về hình ảnh anh Phạm Tiến Duật lần
đầu đứng trước anh em đơn vị D61. Anh đọc cho anh em nghe bài thơ nói về họ trước
giờ xuất kích. Đã hết câu cuối bài thơ mà cả đơn vị còn lặng im, rồi phút chốc
cùng vùng dậy, thoáng đã ngồi sau tay lái. Một khoảng rừng già rộ lên, những cỗ
xe dắt kín lá ngụy trang rùng rùng chuyển bánh đi về hướng Nam đã định".
II - GIÁ TRỊ TÁC PHẨM
Bài thơ về Tiểu đội xe không kính nằm trong chùm bài
thơ của Phạm Tiến Duật được giải nhất báo Văn nghệ năm 1969. Bài thơ về Tiểu đội xe không kính ghi lại ý nghĩ, tình cảm, cảm xúc của các
chiến sĩ lái xe hoạt động trên đường mòn Hồ Chí Minh ngày đêm đưa người và hàng
chi viện cho miền Nam. ở đường mòn Hồ Chí Minh, mỗi chiến sĩ lái xe ngày và đêm
đối mặt với bom đạn của giặc Mĩ, đối mặt với cái chết. Họ đã thể hiện tinh thần
quả cảm, ý chí gang thép của người chiến sĩ cách mạng. Tinh thần ấy, ý chí ấy
truyền vào từng ý thơ, từng hình ảnh và nhạc điệu khiến cho bài thơ có những nét
riêng rất đặc biệt.
Trước tiên đó là giọng thơ ngang
tàng có vẻ bất cần tất cả. Lí giải vì sao xe không có kính, người chiến sĩ cho
biết:
Không có kính không phải vì xe không có kính
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Câu thơ trên có 10 tiếng lặp lại
ba tiếng không. Cụm từ "không có kính" đứng ở đầu và cuối câu
thơ tưởng như chỉ là sự lặp lại thông thường nhưng thực chất lại bao hàm hai
nghĩa khác nhau. Cách diễn đạt ấy mang đậm chất lính. Chất đời thường dường như
xa lạ với thơ nhưng lại là câu mở đầu cho một bài thơ hay. Bài thơ được giải nhất
trong một cuộc thi thơ của báo Văn nghệ. Chính cái khẩu khí ấy đã qui định giọng
điệu của cả bài thơ, đã kéo theo liền một mạch ba câu liền trong khổ thơ thứ nhất:
Bom giật bom rung kính vỡ đi rồi
Ung dung buồng lái ta ngồi,
Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng.
Kính vỡ vì bom giật, bom rung,
điều giải thích ấy có thể hiểu được. Đến câu thơ thứ ba, ý thơ đột ngột chuyển
hẳn sang một hướng khác, tả lại phong thái của người chiến sĩ lái xe ngồi trên
chiếc xe không kính đó:
Ung dung buồng
lái ta ngồi
Hai tiếng ung dung vừa gợi hình, vừa tả được thái độ tự tin, được vẻ phớt đời,
coi thường bom đạn của người chiến sĩ lái xe. Tư thế ung dung ngồi trong buồng lái mặc cho bom giật, bom rung lại
càng được khẳng định khi ta dõi theo cặp mắt người chiến sĩ:
Nhìn đất, nhìn
trời, nhìn thẳng.
Câu thơ ngắt làm ba nhịp, hai nhịp
đầu hướng cặp mắt người chiến sĩ tới hai đối tượng: đất và trời. Tới nhịp thứ
ba, đối tượng không còn, người chiến sĩ hướng cặp mắt tới phía trước trong tư
thế bình thản, tự nhiên và dũng cảm: nhìn thẳng. Nhìn thẳng vào bom đạn kẻ thù,
nhìn thẳng vào con đường đang bị bắn phá đầy chết chóc để lái xe vượt qua tất vả.
Cái tứ nhìn thẳng này sẽ dẫn tới câu
kết là lời giải thích nguyên nhân vì sao người chiến sĩ lái xe lại có dũng khí ấy:
Một trái tim yêu nước, yêu đời. Một
trái tim đập vì nước Nam thân thương như Bác Hồ thường nói:
Vì trên xe có
một trái tim
Vượt lên trên chết chóc, bom đạn,
anh chợt nhận ra:
Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
Nhìn thấy con đường
chạy thẳng vào tim
Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
Như sa, như ùa vào buồng lái
Hai khổ thơ sau của đoạn trích
ghi lại hình ảnh anh chiến sĩ lái xe đang hăng hái làm nhiệm vụ đưa hàng ra tiền
tuyến trên chiếc xe không kính. Cũng vẫn cái giọng ngang tàng đó, người chiến sĩ
kể:
... Không có kính, ừ thì ướt áo
Mưa tuôn, mưa xối như ngoài trời
Một tiếng "ừ"
quả quyết, ngắn gọn, bất chấp tất cả, cả mưa tuôn, cả gió thổi, cả ướt áo. Cái
khí phách ấy mang lại cho hai câu thơ sau một nhịp thơ rắn đanh, chắc nịch:
Chưa cần thay, lái trăm cây số nữa
Mưa ngừng, gió lùa khô mau thôi
Khổ thơ cuối có hai hình ảnh đẹp.
Hình ảnh thứ nhất ghi lại vẻ đẹp của những người lính lòng can đảm dám vượt qua
thử thách nơi chiến trường:
Những chiếc xe từ trong bom rơi
Đã về đây họp thành tiểu đội
Hình ảnh thứ hai ghi lại vẻ đẹp của
những người lính giàu tính đồng đội. Cách biểu lộ tình cảm của họ cũng ngang tàng
và rất lính:
Gặp bè bạn suốt đọc đường đi tới
Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi
Cái cửa kính vỡ rồi, cái xe không
có kính, nhưng tiểu đội xe không kính vẫn lao lên phía trước, lao ra tiền tuyến
để tiếp tế súng đạn, lương thực vì ngày toàn thắng của đất nước. Hình ảnh tiểu đội
xe không kính trở thành biểu tượng anh hùng tuyệt vời cho những người lính lái
xe trên đường mòn Hồ Chí Minh vượt Trường Sơn hướng tới miền Nam.
0 Nhận xét